Thứ Ba, 26 tháng 7, 2011

Tiếp thị xanh để du lịch bền vững

Du lịch bền vững là hướng phát triển tất yếu của du lịch hiện đại, tích hợp cùng lúc ba lợi ích chính: (1) phúc lợi kinh tế của ngành Du lịch, (2) bình đẳng xã hội và, (3) bảo vệ môi trường du lịch.
Cả ba lợi ích này đều dựa trên cơ sở đáp ứng tối đa nhu cầu chính đáng của du khách. Tiếp thị có trách nhiệm, còn được gọi là tiếp thị xanh, là cầu nối đầu tiên giữa doanh nghiệp du lịch và du khách, quyết định việc du khách lựa chọn địa điểm/tour du lịch, thời gian lưu trú và việc quay trở lại điểm du lịch đã từng đến.
url.jpg

Khái niệm và cách đo lường tiếp thị xanh 
       
Tiếp thị xanh là yêu cầu bắt buộc đối với du lịch bền vững, gồm 3 nội dung :
(1) Cung cấp thông tin chính xác cho du khách về điểm du lịch như thời tiết, cảnh quan, các di tích lịch sử văn hóa, đặc trưng về phong tục tập quán của cộng đồng địa phương, hàng hóa, món ăn , lễ hội, nghề thủ công truyền thống, các điểm dừng chân có phong cảnh đẹp hay độc đáo (landmarks)...
(2) Cung cấp thông tin về trách nhiệm của du khách khi đến điểm du lịch nhằm bảo vệ môi trường, tôn trọng phong tục tập quán địa phương...
(3) Cung cấp cho du khách thông tin về các hiểm họa trong môi trường  và cách phòng tránh để du khách có thể tự bảo vệ mình, như : sương mù, gió xoáy, trượt lở đất đá,  dòng chảy ven bờ, các sinh vật độc hại...
Nhà tiếp thị du lịch không nên lo rằng các nội dung (2), (3) trên đây sẽ làm cho du khách sợ hãi không dám đi du lịch. Ngược lại, du khách luôn biết rõ rằng ở bất cứ đâu, ngoài cái hay cũng đều có những cái dở và họ muốn biết thông tin chính xác về cả hai mặt của điểm du lịch để có thể lựa chọn thời gian và cách ứng xử phù hợp. Trách nhiệm của doanh nghiệp du lịch sẽ làm du khách vững tâm và tin tưởng vào doanh nghiệp hơn.
Chỉ số đo lường của tiếp thị xanh (green marketing index = GMI) được đề xuất lần đầu giúp cho việc đánh giá công tác tiếp thị một cách định lượng bằng công thức sau :
GMI = 1/3( I1 +I2 +I3)
Trong đó : 
I1:  Chỉ thị về tính hấp dẫn du lịch - là tỷ lệ giữa các yếu tố được giới thiệu với du khách so với tổng số yếu tố hấp dẫn du khách của điểm du lịch.
I2: Chỉ thị về trách nhiệm của du khách – tỷ lệ giữa các vấn đề mà du khách không được vi phạm đã được thông báo cho du khách trên tổng số các vấn đề cấm vi phạm tại điểm du lịch.
I3: Chỉ thị về độ an toàn môi trường – tỷ lệ giữa các mối nguy hiểm môi trường được thông tin cho du khách so với tổng số các nguy hiểm tại điểm du lịch.
Vì I1, I2, I3 biến thiên từ 0,0 đến 1,0 nên GMI cũng tiến từ 0,0 (không tiếp thị gì) đến 1,0 (tiếp thị có trách nhiệm cao nhất).
Một nghiên cứu thử nghiệm tại Hà Nội về tiếp thị của 20 công ty lữ hành về điểm du lịch Đồ Sơn và 10 công ty lữ hành về điểm du lịch Hạ Long trong năm 2006 cho thấy các giá trị GMI đạt được đều rất thấp (từ 0,15 đến 0,30). Kết quả này cho thấy họat động tiếp thị hiện nay có trách nhiệm rất thấp, các chỉ thị I2và I3 hầu hết đều bằng 0.
Hai phương pháp làm tăng tính hấp dẫn của điểm du lịch
Các điểm du lịch nội địa dần dần đã trở thành quen thuộc, kém hấp dẫn du khách và làm du khách không muốn quay trở lại. Tuy nhiên, có thể “làm mới” các điểm du lịch đã quen thuộc bằng hai phương pháp sau:
Rũ bụi thời gian
Thời gian phủ bụi lên những giá trị của một điểm du lịch, theo chiều từ hiện tại đến quá khứ. Các giá trị của một điểm du lịch thường có 4 tầng thời gian mà chỉ có thể phát hiện được khi nghiên cứu sâu các tư liệu lịch sử, tiền sử và địa sử (bảng)
Các tầng thời gian
Ví dụ về điểm du lịch TP. Đồng Hới
Tầng hiện tại (tư liệu hiện đại)
Cảnh quan kiều diễm vùng cửa sông Nhật Lệ: bãi biển, cồn cát Bảo Ninh, sông Nhật Lệ, nhà Mẹ Suốt, cầu qua dòng Nhật Lệ, bàu Tró...
Tầng lịch sử (tư liệu lịch sử)
Lũy Trấn Ninh, thành cổ Đồng Hới, Quảng Bình quan, gác chuông nhà thờ Tam Tòa, tên “Bàu Tró”
Tầng tiền sử (tư liệu khảo cổ)
Các di tích của văn hóa khảo cổ học “Bàu Tró”
Tầng địa sử (tư liệu địa lý - địa chất)
Sông Nhật Lệ là một lạch biển tàn, TP. Đồng Hới định vị trên mỏ sét Kaolin lớn nhất Việt Nam, các bàu nước ngọt giữa vùng nước mặn, suối nước ngọt chảy ngược từ bờ biển vào đồng ruộng...
 Phát hiện các dấu tích bị lãng quên
Tại không ít điểm du lịch, có nhiều dấu tích ít hoặc không ai để ý tới. Các dấu tích này có thể là một yếu tố kiến trúc, công nghệ chế tác, cây cổ thụ, lòng sông tàn, vách đá đổ lở, đầm lầy không tên, một địa danh cổ... Chúng có những giá trị lớn lao và có sức hấp dẫn du khách, nhưng gần như bị lãng quên trong hoạt động du lịch. Chúng giống như một file con trong bộ nhớ máy tính vẫn còn chưa được mở. Phát hiện và đưa vào chương trình hướng dẫn du lịch có thể làm tăng tính hấp dẫn của điểm du lịch, kéo dài thời gian lưu trú của khách.
Nếu gọi i là độ gia tăng hấp dẫn của một điểm du lịch, thì i được đo bằng tỷ số thời gian gia tăng (t1) và thời gian du khách dùng để viếng thăm điểm du lịch trước đây (t2).
I = (t1/t2) x 100 %
Bảng sau cho thấy một vài ví dụ về yếu tố bị lãng quên tại một số điểm du lịch.
Dấu tích bị lãng quên
Giá trị du lịch
Tượng 10 con thú đá ở chùa Phật Tích, Bắc Ninh (thế kỷ XI)
Các tượng thú này đều được tạc từ đá sa thạch (cát kết). Trong khi các tượng do người Việt chế tác đều từ gỗ hay đá vôi, thì những pho tượng từ cát kết lại đặc trưng cho kỹ nghệ điêu khắc Chămpa. Có lẽ, những tượng thú này là những yếu tố Chămpa trong nghệ thuật điêu khắc thời Lý
Tượng con cừu đá trước cửa chùa Dâu, Bắc Ninh (thế kỷ II)
Con cừu cũng được tạc từ đá cát kết. Vả lại, cừu mới được di nhập vào nước ta từ thời Pháp. Con cừu đá ở chùa Dâu chắc chắn là tượng ngoại lai, được mang đến từ vùng đất có nhiều yếu tố văn hóa Ấn Độ (ví dụ Chămpa, hoặc từ chính Ấn Độ?)
Các vách đá ở Đồ Sơn
Đồ Sơn là một bảo tàng tự nhiên của các vách đá dựng đứng giống như vết tích của các tòa thành cổ, nằm ở độ cao khác nhau. Đây thực ra là các vách đá sụt lở vì sóng biển vỗ bờ ngày xưa tạo ra. Đồ Sơn trước đây là các đảo cô lập giữa biển, được nâng lên dần khỏi tác động của biển do lực địa chất
Mộ cổ Hàng Gòn, Đồng Nai (2800 – 2500 năm trước)
Đây là mộ cự thạch (đá lớn) làm từ đá granit tự nhiên, gồm những tấm đá được mài nhẵn, riêng tấm thiên (tấm đậy) rộng 12m2 nặng chừng 20 tấn. Niên đại của mộ đá này được xác định khoảng thời kỳ đồ đồng. Thời đó chưa có thiết bị mài cắt các tấm đá lớn và rắn như đá granit. 6 trong số 12 cột đá dựng xung quanh mộ nặng trên dưới 10 tấn, mỗi cột cũng được mài nhẵn từ đá granit. Mộ cổ Hàng Gòn liệu có thuộc vào nền văn minh cự thạch như Stonhange của Anh , sàn đá Bayanbech của Siry hay thành phố đá ở Trung Mỹ hay không?
Các giếng vuông ở Hội An (hiện vẫn còn đang sử dụng)
Đây là các dấu tích Chămpa. Người Chăm xưa đào giếng vuông. Như vậy, Hội An không chỉ có lịch sử từ thời chúa Nguyễn (thế kỷ 16 – 17) mà là một cảng từ thời vương quốc Chămpa trước đó.
Đền Thượng (thờ Thánh Tản Viên) ở núi Ba Vì, Hà Tây
Ngôi đền nhỏ được xây dựng trong một hốc đá. Hang hốc, khe hẻm... là biểu tượng của đức Thánh Mẫu, tín ngưỡng cổ xưa của người Việt. Tại đỉnh núi cao bên trên mái đền vài chục mét là một mặt bằng nhỏ, chỉ rộng vài chục mét vuông, là nơi thờ Thánh Mẫu Thượng Ngàn
Rất nhiều dấu tích bị lãng quên này chưa thể được lý giải thấu đáo về mặt khoa học, nhưng chúng gợi mở nhiều vấn đề và góp phần làm gia tăng tính hấp dẫn của điểm du lịch.
Tiếp thị xanh đòi hỏi việc kinh doanh lữ hành không chỉ là đưa khách đến điểm du lịch, mà là sự kinh doanh có trách nhiệm. Như vậy, các doanh nghiệp lữ hành cần nghiên cứu kỹ yếu tố nào của điểm du lịch có thể làm thỏa mãn cao nhất nhu cầu chính đáng của du khách, xác định trách nhiệm của du khách và mức độ đảm bảo an toàn cho du khách. Có như vậy uy tín của doanh nghiệp mới được nâng lên, góp phần khẳng định thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường.

PGS. TS. NGUYỄN ĐÌNH HÒE
Đại học quốc gia Hà Nội

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét