Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2011

Thói quen tiêu dùng xanh (Consumers' behavior on green consuming)

 
Nếu người tiêu dùng thay đổi thói quen và nhận thức của mình, các nhà sản xuất sẽ phải thay đổi, và xã hội sẽ thay đổi.
Khái niệm “người tiêu dùng xanh” (green consumer) được hiểu là người tiêu dùng thân thiện với môi trường. Những người tiêu dùng này gần đây đã có ảnh hưởng nhiều hơn đối với việc tạo ra những thay đổi trong vấn đề nhận thức về môi trường. Tuy nhiên, không dễ để trở thành một người tiêu dùng xanh. Bạn phải thay đổi những thói quen tiêu dùng của mình đã hình thành từ rất lâu.
Nếu là một người tiêu dùng xanh quan tâm đến môi trường, họ chỉ mua những sản phẩm thân thiện với môi trường hay thân thiện với tự nhiên. Sản phẩm có ít hoặc không có bao bì, sản phẩm tạo ra từ những thành phần tự nhiên và những sản phẩm trong quá trình sản xuất ra chúng không hoặc ít gây ô nhiễm môi trường...
Tại châu Âu, đa số là người tiêu dùng xanh. Sự khác biệt về tỷ lệ này phản ánh sự nhận thức về môi trường trong cộng đồng.
Đã đến lúc người tiêu dùng cần đòi hỏi quyền lợi cho chính mình, quyền của người mua hàng, và yêu cầu nhà cung cấp làm theo tầm nhìn về bảo vệ môi trường, hoặc có quyền từ chối mua hàng của họ.
Thói quen cần thay đổi
Thay đổi thói quen mua hàng và tiêu dùng để giảm tác động đến môi trường là xu thế đang phát triển từ những người tiêu dùng xanh. Xách theo túi mua hàng là một ví dụ khi đi chợ, siêu thị. Ở Thuỵ Điển, hàng hoá sau khi tính tiền chỉ được đựng trong những túi nylon rất mỏng manh và rất dễ rách nếu bạn mua hàng nhiều và nặng. Muốn có những túi nhựa dày để đựng như vẫn thường thấy trong các siêu thị của TP.HCM bạn phải trả tiền khoảng 6.000 – 10.000đ tuỳ kích cỡ. Đây là một biện pháp kinh tế của chính phủ để hạn chế việc tiêu thụ túi nhựa cũng như thải rác nhựa ra môi trường và khuyến khích người dân đem theo túi đựng hàng có thể sử dụng được nhiều lần như túi vải, giỏ xách.
Tại TP. HCM bây giờ ra đường, cũng không ít các bà nội trợ đi chợ tay không mà không đem theo giỏ. Bởi vì ra chợ đã có người bán đựng hàng cho mình trong các bao xốp, mua nhiều thứ lắt nhắt, người bán quen không ngại ngần tặng luôn một bao xốp khác lớn hơn để bạn đựng cho tiện. Và đi chợ về, túi xốp lớn túi xốp nhỏ đó lần lượt đi vào thùng rác, dẫn đến lượng rác càng ngày càng tăng từ các hộ gia đình trong đô thị lớn.
Đừng mua những sản phẩm có mùi hương thơm ngát. Các sản phẩm này có tẩm hương liệu nhân tạo và đa phần chúng đều là hợp chất hữu cơ bay hơi độc hại cho cơ thể. Thay vào đó, hãy sử dụng những bình hoa tươi hoặc một vòng hoa nhài, vừa rẻ, lại vừa không độc hại.
Giấy vệ sinh có màu trắng tinh và hương thơm được chú ý nhiều hơn đối với người tiêu dùng. Giấy càng trắng càng phải qua nhiều công đoạn tẩy trắng bằng chất tẩy và sử dụng nhiều nước kèm theo thải ra ngoài môi trường nhiều nước thải độc hại hơn. Người tiêu dùng ở Đức hơn 5 năm qua đã chuyển sang loại giấy vệ sinh sản xuất từ bột giấy không tẩy trắng và không tẩm hương lịêu. Loại giấy này đắt gấp 3 lần so với loại giấy vệ sinh sản xuất theo cách thông thường.
Bất cứ khi nào có thể, tránh mua thực phẩm có sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, có chất kích thích tăng trưởng.
Th.S. Đỗ Hoàng Oanh - (theo Sài gòn tiếp thị)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét