MPDF đang triển khai chương trình thử nghiệm về CSR tại ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia để giúp các doanh nghiệpnhận thức được các bộ qui tắc và tiêu chuẩn chính về trách nhiệm xã hội và môi trường có thể ảnh hưởng thế nào đến công việc kinh doanh của họ. Việc lấy chứng chỉ về CSR có rất nhiều lợi ích tiềm năng. Lợi ích ngắn hạn chủ yếu là có được thêm đơn đặt hàng từ những công ty mua hàng đòi hỏi các tiêu chuẩn về CSR, trong khi đó lợi ích dài hạn chủ yếu là cho chính nội bộ doanh nghiệp như cải thiện quan hệ trong công việc, giảm bớt tai nạn, giảm tỷ lệ nhân viên thôi việc, tăng năng suất lao động.
MPDF đã lựa chọn thử nghiệm triển khai chứng chỉ WRAP (bộ qui tắc do Hiệp hội May mặc và Giầy dép của Mỹ, một tổ chức đại diện cho khoảng 80% thị phần bán sỉ của Mỹ áp dụng) ở Việt Nam là do thị trường Mỹ còn tương đối mới nhưng đầy tiềm năng đối với các doanh nghiệp Việt Nam. MPDF đã hỗ trợ đào tạo một công ty tư vấn trong nước là Global Standard để trở thành một công ty cấp chứng chỉ WRAP giúp các nhà sản xuất của Việt Nam có thể dễ dàng tiếp cận đến các dịch vụ hỗ trợ khi cần triển khai thực hiện chứng chỉ này.
Ông Len Cordiner, Chuyên gia Tư vấn, Chương trình Xúc tiến Xuất khẩu của MPDF
Chính phủ Việt Nam đã bắt đầu quan tâm đến CSR, và theo tôi Chính phủ cần tìm cách khuyến khích doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội. Chính phủ không cần trực tiếp can thiệp về mặt pháp lý, nhưng cần khuyến khích thực hiện thông qua các biện pháp như giảm và hoãn thuế.
CSR có thể áp dụng cho mọi ngành, không chỉ riêng những ngành cần nhiều lao động như dệt may và giầy dép. Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, thực hiện CSR là một khó khăn lớn, trước hết là hiểu rõ về nó, sau đó là làm thế nào để đưa nó vào hoạt động sản xuất và kinh doanh hàng ngày. Để làm được như vậy đôi khi cần phải thực hiện những thay đổi trong chính sách, chế độ lương bổng, kể cả việc cải thiện môi trường nhà máy hoặc nơi làm việc.
Chúng tôi bao giờ cũng khuyến khích các doanh nghiệp hãy tìm hiểu xem các đối tác mua hàng của mình muốn gì, cả về mặt chất lượng sản phẩm cũng như CSR. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam biết đến SA 8000 nhưng tiêu chuẩn này có phù hợp hay không còn tùy thuộc đặc thù sản xuất của từng ngành, từng đối tượng mua hàng và những yêu cầu của họ. Có khách hàng yêu cầu WRAP, có khách hàng lại yêu cầu tuân thủ bộ CoC riêng của họ.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng CSR là quan trọng nhưng không phải ở tờ giấy chứng chỉ mà ở chính quy trình thực hiện nó. Nếu thực hiện đúng, doanh nghiệp sẽ thu được các lợi ích như nâng cao hiệu quả quản lý, tăng sự trung thành và nhiệt huyết của người lao động, giảm chi phí đào tạo, tăng hiệu suất lao động, v.v. ở Việt Nam, đôi khi các công ty quá coi trọng việc có được bộ chứng chỉ, nhưng chứng chỉ là vô nghĩa nếu như không được thực thi nghiêm túc.
Rào cản lớn nhất đối với các công ty Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong việc áp dụng CSR không phải là kinh phí, mà là sự cam kết của ban lãnh đạo. Tại Việt Nam, phần lớn việc thực hiện CSR là bị động khi người mua hàng có yêu cầu, do đó một số nhà sản xuất có cảm giác là bị bắt buộc phải thực hiện CSR mà chưa hiểu hết bản chất của nó hoặc chưa có sự cam kết. Tôi tin rằng, doanh nghiệp thành công nhất trong việc thực hiện CSR sẽ là những doanh nghiệp chủ động cam kết với CSR, biến nó thành một phần văn hoá công ty.
Về lâu dài, CSR là công cụ giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh. Đây là vấn đề quan trọng ngay bây giờ bởi vì cạnh tranh trong khu vực ngày càng gia tăng mà Việt Nam chỉ có thể cạnh tranh được nếu đạt được cả ba yếu tố: chất lượng, giá cả và tuân thủ các tiêu chuẩn về CSR. CSR là một lĩnh vực mà Việt Nam có thể mạnh hơn Trung Quốc. Theo tôi, đối với các nước nhỏ như Việt Nam và Campuchia, CSR là một công cụ cạnh tranh rất quan trọng.
Ông Carey Zesiger, Giám đốc Phát triển Dự án, Công ty Global Standard
Trên thế giới, CSR đã được thừa nhận là một yếu tố tạo dựng uy tín trên thị trường may mặc toàn cầu. Không phải chỉ có các công ty đa quốc gia chịu rủi ro về uy tín và thương hiệu khi họ đặt hàng tại các nước đang phát triển, mà chính các nước đang phát triển chịu rủi ro về khả năng bị phê phán nếu như họ cho phép hoặc làm ngơ trước những hành vi liên quan tới xã hội và môi trường chưa đạt chuẩn mực quốc tế.
Phản ứng xấu của công chúng là nỗi lo sợ của tất cả các bạn hàng quốc tế. Ví dụ, việc sử dụng lao động trẻ em tại một nhà máy nào đó thường dễ bị lan tin trên toàn cầu. Mặc dù điều này có thể chỉ xảy ra ở một số ít nhà máy và là bất hợp pháp ở chính nước sở tại, song quốc gia đó lại dễ bị mang tiếng mà phải mất nhiều năm để khôi phục lại. Có nhiều tổ chức phi chính phủ để mắt tới những vấn đề CSR và đôi khi họ quan tâm thái quá hoặc nhìn nhận vấn đề không công bằng dẫn đến tổn hại cho doanh nghiệp ngay cả khi doanh nghiệp đã sửa chữa lỗi lầm.
Thành công của ngành may mặc Việt Nam trong tương lai sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm sử dụng lao động hiệu quả, sản xuất được vải và phụ kiện trong nước, áp dụng công nghệ mới, đào tạo đội ngũ quản lý phòng ban đến giám đốc, và khả năng của Việt Nam trong việc giới thiệu và quảng bá về một nền công nghiệp hiệu quả và năng động, luôn sẵn sàng điều chỉnh để phù hợp với yêu cầu của thị trường mới cùng với bức thông điệp rằng Việt Nam hoàn toàn ủng hộ một môi trường lao động an toàn, công bằng và những tập quán sử dụng lao động được xã hội chấp nhận.
Ông Colin Scott, Chuyên gia cao cấp, Trung tâm Đào tạo May mặc Quốc tế-Việt Nam
Theo Bản Tin Môi Trường Kinh Doanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét