“Phong cách tiêu dùng xanh” (Green consumption style) một khái niệm còn quá mới ở Việt Nam, là lĩnh vực kinh doanh thông qua các hoạt động kinh tế góp phần giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường. Bên lề năm mới, ThienNhien.Net đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thành Lưu – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xuất nhập khẩu Sản phẩm Xanh Việt Nam (VIEXAN) kiêm Tổng giám đốc Siêu thị 24H về vấn đề khá mới mẻ này tại Việt Nam.
- Là một trong những người nỗ lực thúc đẩy “Phong cách tiêu dùng xanh (PCTDX)” tại Việt Nam, xin ông giới thiệu một chút về phong cách này?
“Sống xanh”, “xanh hóa” … là các từ được nhắc đến nhiều trên thế giới trong những năm qua và ngay tại Việt Nam gần đây cũng xuất hiện các phong trào kêu gọi và thúc đẩy “sống xanh” như sáng kiến “Go Green” do Toyota Việt Nam tài trợ hay trên một số phương tiện thông tin đại chúng đã hình thành thuật ngữ Greenagers – để nói về lớp người trẻ quan tâm đến môi trường.
Trong lĩnh vực kinh doanh đã có nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất và cung ứng các sản phẩm sạch, chẳng hạn rau sạch, thịt sạch … Tuy nhiên, các chương trình này chưa đem lại kết quả như mong đợ,i có lẽ do các phong trào “sống xanh” thiên về bảo vệ môi trường mà chưa chú ý nhiều đến tiêu dùng – mắt xích trung tâm của các quá trình thực hiện hành vi của con người; còn các dự án rau sạch, thịt sạch vì lý do này khác chưa có cơ sở khách hàng đông đảo để phát triển. Chính vì lẽ đó, chúng tôi thấy rằng cần thúc đẩy PCTDX làm động lực và nhân tố kết nối giải quyết các vấn đề cả về kinh tế, xã hội, và môi trường.
Có ba thành tố của phong cách tiêu dùng xanh đó là tiêu dùng vì sức khỏe của bản thân, tiêu dùng vì sự phát triển của cộng đồng, và tiêu dùng vì xanh sạch của môi trường. Một người có phong cách tiêu dùng xanh khi mua trà sẽ đặt ra các câu hỏi như: Trà có sạch không? Có tẩm ướp hóa chất độc hại không? Ai có được việc làm và thu nhập từ sản phẩm trà này, trong đó có người nghèo ví dụ đồng bào dân tộc Dao, H’mông, Tày, Eđê… hay người lao động nghèo trong nước không? Sản phẩm này có phải được tạo ra từ sự hủy hoại môi trường không? … Người đó sau đó khi tiêu dùng sẽ chú ý thu gom và tái chế các phụ phẩm sao cho không gây ô nhiễm môi trường sống.
Phong cách tiêu dùng xanh không chỉ áp dụng đối với cá nhân mà còn áp dụng với các cơ quan tổ chức. Gần đây phong trào “ Văn phòng xanh – Green Office” đang bước đầu được một số tổ chức như Đại Sứ Quán Đan Mạch, Toyota Việt Nam … triển khai. Mặc dù vậy, con số này còn khá khiêm tốn. Hy vọng rằng sẽ có ngày càng nhiều tổ chức tham gia “Văn phòng xanh” và họ chú trọng nhiều hơn đến khía cạnh tiêu dùng (tức mua sắm các sản phẩm xanh để sử dụng trong văn phòng).
- Trong bối cảnh kinh tế xã hội và môi trường tại Việt Nam hiện nay “Phong cách tiêu dùng xanh” sẽ có những đóng góp như thế nào?
Năm 2009 sẽ năm đầy khó khăn cả về kinh tế, xã hội và môi trường, tuy nhiên cũng sẽ có nhiều cơ hội để nước ta vượt qua khó khăn và phát triển như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ ra trong thông điệp đầu năm vừa qua. Theo tôi nếu thúc đẩy được PCTDX thì sẽ góp phần rất lớn vào sự nghiệp phát triển của đất nước. Càng nhiều người theo PCTDX thì vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ càng dễ dàng ngăn ngừa và khắc phục, những người nghèo và cộng đồng khó khăn sẽ có thêm nhiều việc làm, các doanh nghiệp trong nước đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ bán được nhiều hàng hơn, còn môi trường sẽ xanh và sạch hơn nhờ những người có PCTDX.
- Để thúc đẩy phong cách tiêu dùng xanh tại Việt Nam cần triển khai những gì?
Cần có sự tham gia đồng thời của cả ba khối Nhà nước – Xã hội dân sự – Doanh nghiệp, trong đó Nhà nước đóng vai trò bảo trợ, hỗ trợ còn vai trò chủ đạo là khối xã hội dân sự và doanh nghiệp.
Đối với khối doanh nghiệp cần tăng cường phát triển các sản phẩm xanh (sản phẩm an toàn cho sức khỏe, sản phẩm tạo được nhiều việc làm cho lao động nghèo và khó khăn, sản phẩm an toàn và bảo vệ môi trường) có chất lượng tốt, giá cả hợp lý để đáp ứng nhu cầu của những người đã, đang và có tiềm năng gia gia nhập nhóm PCTDX. Đồng thời, doanh nghiệp cần tăng cường hợp tác với khối xã hội dân sự thực hiện các dự án thúc đẩy PCTDX.
Đối với khối xã hội dân sự tuy mỗi cá nhân, tổ chức đều có lĩnh vực hoạt động riêng nhưng do PCTDX có phạm vi rất rộng và có liên quan đến mọi mặt của đời sống xã hội, do đó hãy lồng ghép thúc đẩy PCTDX vào hoạt động của mình mỗi khi có thể, đơn giản từ việc quyết định mua một gói trà xanh nguyên chất do đồng bào H’mông trồng thay vì loại chè thời thượng nhập khẩu, hay thay thế một khay đựng tài liệu bằng nhựa bằng khay mây tre đan cho đến việc triển khai một chương trình và dự án qui mô về thúc đẩy PCTDX.
- Xin cho biết một số dự án mà VIEXAN đang triển khai để thúc đẩy phong cách tiêu dùng xanh tại Việt Nam?
Chúng tôi có nhiều hoạt động thúc đẩy PCTDX, trong đó đáng kể nhất là dự án thay thế túi nilon trong hoạt động bán lẻ (dự án làm lợi cho cả người tiêu dùng, nhà bán lẻ, môi trường), dự án này đang được đàm phán và thỏa thuận với nhà tài trợ để triển khai sớm trong đầu năm 2009.
Ngoài ra VIEXAN cũng đang triển khai hợp tác với các hợp tác xã trồng trà của đồng bào người Dao, người H’mông để hỗ trợ sản xuất và tiếp thị các dòng sản phẩm trà tự nhiên nguyên chất dưới tiêu đề “Sản phẩm xanh cho gia đình và văn phòng xanh”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét