Thứ Ba, 10 tháng 1, 2012

Hướng tới tiêu dùng xanh: Chiếc túi thân thiện với môi trường

Môi trường đất, nước, không khí của chúng ta đang bị hủy hoại dần bởi một thủ phạm đó là túi nilon. Hãy chuyển sang sử dụng các vật liệu khác thân thiện với môi trường hơn như túi mua hàng sử dụng nhiều lần, có thể tái chế hay là túi tự phân hủy sinh học để duy trì màu xanh của trái đất, của chính môi trường chúng ta.
Đó là thông điệp mà nhóm ba bạn Phùng Thị Thu Hà, Đỗ Thu Thủy và Phạm Thị Thủy (Green Consumer), sinh viên Khoa Quản trị kinh doanh - K44, trường Đại học Ngoại Thương gửi đến Cuộc thi Môi trường và Phát triển do Bộ TN&MT phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức với mục đích nâng cao ý thức và ứng xử thân thiện với môi trường của mỗi người dân nói riêng và cộng đồng nói chung. Với ý tưởng thành lập Công ty TNHH Green Consumer chuyên sản xuất và phân phối các dòng sản phẩm thân thiện với môi trường, đó là túi mua hàng thân thiện môi trường (túi Envi) và túi tự phân hủy sinh học, các bạn đã đạt giải ba Cuộc thi. Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với nhóm Fly High.
PV: Xuất phát từ ý tưởng nào mà các bạn xây dựng Dự án Túi thân thiện với môi trường?
Ý tưởng thành lập Công ty với dự án Túi thân thiện với Môi trường đã được nhóm bắt đầu viết khi tham gia cuộc thi “Nhà doanh nghiệp HSBC” – “HSBC Young Entrepreneur Award 2008” (HSBC YEA). Bản tóm tắt dự án của nhóm khi tham gia HSBC YEA đã được giải nhì toàn quốc. Sau đó, thông qua báo điện tử, nhóm biết đến Cuộc thi Môi trường và Phát triển nên đã quyết định tiếp tục hoàn thiện nội dung dự án để tham gia Cuộc thi với một mong ước dự án sẽ được nhiều người hoạt động trong lĩnh vực môi trường quan tâm, góp phần đưa dự án vào triển khai trong thực tế.
PV: Các bạn có thể giới thiệu rõ hơn về sản phẩm của mình và ích lợi của nó đối với môi trường của chúng ta ?
Trong dự án, nhóm đưa ra 2 dòng sản phẩm chính. Đó là túi Envi - sản phẩm do nhóm thiết kế và sáng tạo, có các bánh xe làm giảm sức nặng của đồ, giúp công việc nội trợ trở nên nhẹ nhàng, dễ dàng hơn. Kích thước của túi phù hợp để có thể mua và đựng được một lượng lớn thức ăn trong một lần đi chợ. Túi chia thành nhiều ngăn làm giảm tối đa lượng túi nilon trong mỗi lần đi chợ, đảm bảo vệ sinh vì đồ ăn không bị chồng chéo lên nhau. Đặc biệt, chất liệu của túi Envi gồm có: giỏ lưới khung làm bằng inox rỗng; hệ thống khay làm bằng nhựa chất lượng cao có thể tái chế 85% thân thiện với môi trường; lớp bao bọc bên ngoài làm bằng vải bao bố có tráng một lớp nhựa mỏng bên trong để có thể dễ dàng vệ sinh. Ngoài ra, túi Envi dành cho người nội trợ được nhóm thiết kế dựa trên những túi kéo được bày bán tại các siêu thị trên cả nước đáp ứng nhu cầu thời trang, thẩm mỹ của khách hàng.
Sản phẩm thứ hai là túi tự phân hủy sinh học có khả năng tự phân hủy từ 6 tháng đến 1 năm so với túi nilon bình thường là hàng nghìn năm, góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiệm tiền nhà nước trong việc tái chế, xử lý rác thải túi nilon. Được sản xuất kết hợp với các chất phụ gia như tinh bột sắn, ngô, ion Mangan 2+... nên khi bị phân huỷ, sản phẩm sẽ chuyển hóa thành các chất mùn, các dạng thức ăn nuôi dưỡng vi sinh vật trong đất, làm giàu cho đất.
PV: Trong quá trình thu thập tài liệu viết về Dự án, các bạn có gặp những thuận lợi và khó khăn gì không?
Dự án với mong muốn chính là giảm thiểu thậm chí thay thế hoàn toàn thói quen sử dụng túi nilon của người tiêu dùng để góp phần bảo vệ môi trường nên đã nhận được nhiều sự giúp đỡ, ủng hộ và khích lệ của các cá nhân tâm huyết quan tâm đến môi trường như Tiến sĩ Phạm Ngọc Lân – Giám đốc phòng thí nghiệm trọng điểm Polyme và Compozit thuộc trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thắng – Phó chánh văn phòng Phát triển bền vững - Bộ Kế hoạch Đầu tư và các nhân viên tại Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ)... Đặc biệt, thông qua những buổi nói chuyện, phỏng vấn với Tiến sĩ Phạm Ngọc Lân, nhóm chúng tôi đã có thêm thôngtin chính xác về hạt tiền phân hủy- thành tố chính tạo nên túi tự phân hủy sinh học, hiện đang được phát triển ở Việt Nam do chính tiến sĩ làm giám đốc dự án.
Bên cạnh đó, nhóm cũng gặp một số khó khăn như tài liệu tiếng Việt về túi tự phân hủy sinh học rất hiếm, hầu như không có, chủ yếu là tài liệu tiếng nước ngoài. Ví dụ như chúng tôi đã đến Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng để xây dựng quy chuẩn về sản phẩm của Công ty song sản phẩm tự phân hủy sinh học còn mới mẻ ở Việt Nam mới nên không có tiêu chuẩn chất lượng. Chúng tôi đã đến thăm một vài xưởng sản xuất và nhận được không ít lời từ chối hợp tác, đặc biệt là từ các xưởng sản xuất nhỏ, có lẽ do họ cũng nhận thức được việc sản xuất túi nilon không đảm bảo vệ sinh, an toàn và ảnh hưởng đến môi trường. Riêng đối với sản phẩm túi Envi do nhóm tự nghĩ và thiết kế nên thông tin về việc sản xuất túi gặp nhiều khó khăn do là sản phẩm mới trên thị trường.
Hơn nữa, để đưa ra những thông tin cụ thể, chính xác về sản phẩm của mình nhằm thuyết phục hội đồng chấm thi, chúng tôi đã phải đi thực tế nhiều và đôi khi không nhận được sự hợp tác của một vài cá nhân và tổ chức.
PV: Tất cả các sản phẩm do các bạn thiết kế đều mới dừng ở lý thuyết, vậy sau khi rời giảng đường đại học, các bạn có ý định tiếp tục triển khai ý tưởng của mình trong thực tiễn hay không? Nếu tiếp tục các bạn sẽ dự định vào thời gian nào?
Dòng sản phẩm túi tự phân hủy sinh học nhóm đưa ra tuy khá mới mẻ tại Việt Nam song không phải là không có. Hiện tại đang có rất nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam sản xuất túi tự phân hủy sinh học nhằm phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu. Song giá thành túi này còn khá cao so với túi nilong nên sức cạnh tranh còn yếu. Nhóm đã khắc phục được điểm yếu về giá thành của túi bằng nhiều giải pháp đã được chứng minh là khả thi như cho in quảng cáo trên túi, tặng hoa hồng cho các đại lý bán hàng lớn hơn hoa hồng túi nilon... Do vậy, nếu sản phẩm túi tự phân hủy sinh học của nhóm được sản xuất ra thị trường với giá thành bằng giá túi nilong trong khi đem lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng và môi trường, nhóm tin chắc rằng sản phẩm sẽ đem lại thành công và hoàn toàn có thể thay thế túi nilon. Túi Envi được thiết kế với nhiều tính năng hơn và đặc biệt là góp phần giảm thiểu túi nilong nên nhóm chắc chắn rằng, đây là một sản phẩm khả thi, không hề phi thực tế và hoàn toàn có thể đưa vào sản xuất sau khi được thẩm tra chất lượng.
Trong tương lai, nhóm chúng tôi có ý định trước tiên sẽ đi bảo hộ trí tuệ ý tưởng sản phẩm và sau đó sẽ đưa lên sàn giao dịch ý tưởng. Với một dự án lớn như vậy, cần nhiều về nguồn lực thì nhóm chúng tôi chưa đủ điều kiện để thực hiện. Song, nhóm cũng mong rằng thông qua cuộc thi Môi trường và Phát triển, sẽ có nhiều cá nhân, tập thể quan tâm đến dự án của nhóm và đầu tư đưa dự án vào triển khai trong thực tế, đem lại những lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng, xã hội và môi trường.
PV: Xin cám ơn các bạn về cuộc trao đổi
(Ảnh: Thứ tự từ trái qua phải: Đỗ Thu Thủy – Phạm Thị Thủy – Phùng Thị Thu Hà)

Green Marketing - Túi nylon - Cần có một cuộc cách mạng

Túi nylon được biết đến như một vật hết sức tiện lợi trong đời sống sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, đây lại là một loại rác thải cực kỳ nguy hiểm cho môi trường. Thế mà, chỉ riêng TP.HCM, mỗi ngày phải hứng chịu khoảng trên 30 tấn rác thải là túi nylon.

Cứ mỗi sáng, bà Nguyễn Thị Thanh ngụ ở quận 4, TP.HCM đều đi chợ. Mỗi loại thực phẩm bà mua đều được người bán bỏ vào 1 túi nylon. Sự tiện lợi thấy rõ, vì mỗi thứ mỗi túi, không lẫn lộn với nhau. Cứ thế, có hôm bà mang về hàng chục túi nylon. Bà Thanh cho nói: "Thấy nó cũng tiện lợi, sạch sẽ, mình xài xong thì bỏ".

Không chỉ bà Thanh, mà gần như tất cả mọi người đều thấy được sự tiện lợi này. Vì thế, ai ai cũng dùng túi nylon để chứa đựng bất cứ thứ gì có thể. Hầu hết các siêu thị, các chợ, trung tâm thương mại, các cửa hàng bách hóa, shop thời trang... đều sử dụng túi nylon. Túi nylon còn được mọi người sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau.

Theo kết quả khảo sát thực tế của Quỹ tái chế TP.HCM, tình trạng sử dụng túi nylon trong cộng đồng hiện rất cao. Có đến 93% người dân khi đi mua hàng không mang theo túi đựng vì chắc chắn rằng người bán sẽ cung cấp. Những người này cho rằng mang theo túi đi mua hàng sẽ khá bất tiện. Mặt khác, có đến 28% người dân vứt ngay túi nylon sau khi mua hàng về, một số người khác giữ lại những túi còn sạch để đựng rác.

Hiểm họa khó lường

Việc sử dụg túi nylon tràn lan dẫn đến hậu quả là môi trường đang chịu sự tác động rất lớn của loại rác thải nguy hiểm này. Chỉ tính riêng địa bàn TP.HCM, mỗi ngày, môi trường nơi đây phải hứng chịu khoảng trên 30 tấn túi nylon. Trong đó khu vực phát sinh nhiều nhất là chợ chiếm 70%, kế đến là siêu thị 25% và cuối cùng là trung tâm thương mại 3%. 30 tấn không phải là con số lớn, nhưng nylon có trọng lượng rất nhẹ, do vậy nếu xét về tiết diện, thì 30 tấn nylon này chiếm một không gian quá lớn.

Có một chi tiết rất nguy hiểm từ túi nylon mà cộng đồng có thể chưa biết hoặc đã biết nhưng chưa có ý định thay đổi cách sử dụng tiện lợi nói trên. Đó là trong môi trường đất, phải mất khoảng 400 năm, túi nylon mới tự phân hủy.

Tiến sĩ Lê Văn Khoa, Giám đốc Quỹ tái chế TP.HCM cho biết: "Túi nylon sử dụng tràn lan hiện nay chính là hiểm họa của môi trường. Do trọng lượng nhẹ, nên nó vương vãi khắp nơi, rồi khi ra tới bãi rác thì nó làm cho vi sinh trong rác khó phân hủy, ngăn quá trình thẩm thấu nước ngầm. Mặt khác, túi nylon lơ lửng trong nguồn nước sẽ vướng vào chân vịt của các loại ghe tàu...".

Nếu không giải quyết thực trạng này, hàng loạt vấn đề về môi trường, môi sinh, cảnh quan… sẽ đồng loạt xảy ra. Dễ nhận thấy nhất là những mảng rác túi nylon rất lớn tích tụ trên các con sông, kênh thoát nước nội ô… làm tắc nghẽn hệ thống thoát nước, gây ngập mỗi khi trời mưa. Túi nylon lẫn trong đất sẽ phá hủy hệ thống đất nông nghiệp, gia tăng thể tích bãi rác, cản trở sự phân hủy của rác, tăng chi phí ngân sách trong xử lý rác…

Đó là chưa kể, trong quá trình xử lý bằng phương pháp đốt có thể phát sinh khí dioxin gây nguy hại đến sức khỏe cộng đồng. Mặt khác, do túi nylon được sử dụng phân tán rộng trong cộng đồng nên việc thu gom, xử lý, tái chế trở nên rất khó khăn và tốn kém.

Nói về các giải pháp khắc phục, Tiến sĩ Khoa cho rằng, cần phải quản lý chặt việc sản xuất túi nylon, tuyên truyền người dân sử dụng túi vải, túi giấy, túi tái chế, nghiên cứu chế tạo túi nylon tự rã, phân hủy sinh học.

Giải pháp thay thế túi nylon

Thời gian gần đây, nhiều cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp đã nỗ lực nghiên cứu và chế tạo những sản phẩm ít gây tác hại cho môi trường. Đây là một trong những dòng sản phẩm đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam dùng để thay thế túi nylon hiện hành. Sản phẩm này còn gọi là túi nylon tự hủy do Công ty TNHH Phúc Lê Gia và Công ty cổ phần Nhựa - Xây dựng Đồng Nai hợp tác sản xuất.

Theo công bố của đơn vị sản xuất, túi nylon tự hủy này có thể tự tan rã trong khoảng thời gian từ 6 tháng đến 1 năm. Trong khi đó độ chắc chắn của sản phẩm không hề thua túi nylon thông thường. Thành phần chính của các loại túi nylon tự hủy này chính là hỗn hợp vật liệu nylon với vật liệu tự hủy. Với cách làm này, giá thành sản phẩm ở mức ngang bằng với loại nylon hiện hành nhưng cái được lớn hơn là sự thân thiện với môi trường của dòng sản phẩm này.

Ông Lê Lộc, Giám đốc Công ty TNHH Phúc Lê Gia cho biết, hiện tại ông đang sử dụng những hóa chất thân thiện với môi trường để sản xuất túi nylon tự hủy. Mong muốn lớn nhất của ông là ngày càng có nhiều nhà sản xuất túi nylon tự hủy để kích thích ngành này phát triển và làm cho người tiêu dùng quen với loại vật dụng thân thiện với môi trường này.

Hiện tại, Liên doanh Phúc Lê Gia và Nhựa - Xây dựng Đồng Nai đang được các siêu thị trong nước đặt sản xuất loại túi nylon này với số lượng rất lớn. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp trong nước, nhờ ý thức rõ tác hại của túi nylon thông thường, cũng đã đặt hàng liên doanh này sản xuất túi nylon tự hủy cho riêng đơn vị mình.

Để thiết thực bảo vệ môi trường chung, cùng với việc tìm giải pháp sản xuất đại trà túi nylon tự hủy với giá thành thấp nhằm thay thế túi nylon hiện hành của các doanh nghiệp; người tiêu dùng cũng cần được và tự nâng cao ý thức trong việc giữ gìn môi trường, bằng những hành động cụ thể như nói "không" với việc sử dụng túi nylon thông thường, không vứt thải bừa bãi túi nylon ra xung quanh...

Nguồn: Yeumoitruong
 
Nguyễn Đăng Duy Nhất
Chủ tịch CMO Council Worldwide tại Việt Nam
Giám Đốc Điều Hành - Global Elite Consulting Corporation